Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất Xe_tăng_tại_Việt_Nam

Trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, xe tăng là ưu thế tuyệt đối của quân đội Pháp trước Việt Minh. Hầu hết số xe tăng này đều có nguồn gốc từ .

Sau khi chính quyền lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố Việt Nam độc lập, Đế quốc Thực dân Pháp, dưới danh nghĩa lực lượng Đồng Minh, tiến vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật nhưng kỳ thực với mưu đồ tái chiếm thuộc địa. Chính quyền Việt Nam đã cố gắng hòa hoãn, nhưng cục diện càng lúc càng căng thẳng.

Ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân Pháp, có quân Anh giúp sức, gây hấn ở Sài Gòn, bất ngờ tấn công trụ sở Lâm ủy Nam Bộ, chính quyền Việt Nam tại miền Nam, mở đầu cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Tuy nhiên, người Việt Nam cũng đã có sự chuẩn bị và đã tiến hành cuộc chiến tranh tiêu hao. Những lực lượng "Nam tiến" chi viện của Chính quyền Trung ương nhanh chóng tham chiến làm hạn chế tốc độ phát triển chiến tranh của người Pháp.

Ở miền Bắc, cục diện vẫn tiếp tục căng thẳng. Theo thỏa thuận Pháp - Hoa, quân Pháp vào Bắc Đông Dương để thay thế lực lượng Quốc quân Trung Hoa. Cục diện hòa hoãn không thể kéo dài được lâu.

Nhiều cuộc đụng độ giữa hai bên diễn ra, trong đó nghiêm trọng nhất là vụ đụng độ ngày 20 tháng 11 năm 1946, khi quân Pháp tấn công và đánh chìm ở cảng Hải Phòng một ghe tình nghi chở vũ khí cho Việt Minh. Vệ quốc quân Việt Nam đánh trả quyết liệt lại quân Pháp. Sau cuộc ngừng bắn ngày 21 tháng 11 năm 1946, Pháp gửi tối hậu thư cho chính quyền Việt Minh ở Hải Phòng, đòi Việt Minh phải rút khỏi Hải Phòng và trao thành phố lại cho Pháp. Ngày 23 tháng 11 năm 1946, chính quyền Việt Minh từ chối yêu sách của Pháp, và quân Pháp bắt đầu bắn phá Hải Phòng với xe tăng và trọng pháo từ tuần dương hạm Suffren, để "dạy lũ côn đồ Việt Minh một bài học", như lời của Tổng tư lệnh liên quân Pháp, tướng Valluy nói với các viên chỉ huy địa phương qua radio. Có rất nhiều người Việt bị chết trong cuộc bắn phá đó. Phía Pháp nói rằng có 6.000 thương vong, trong khi phía Việt Minh tuyên bố thương vong lên tới 20.000 người[4]. Hai phía sau đó tiếp tục các cuộc đàm phán ngưng bắn, nhưng không mang lại kết quả gì cho tới tận tháng 12.

Chiều 18 tháng 12, Pháp gửi cho chính phủ Việt Minh tối hậu thư đòi làm nhiệm vụ trị an ở Hà Nội và đe dọa "Đến sáng 20-12 những điều đó không được chấp nhận thì quân Pháp sẽ chuyển hướng sang hành động". Sáng 19 tháng 12, Pháp gửi tiếp cho phía Việt Minh một tối hậu thư, đòi tước vũ khí của Vệ quốc đoàn ở Hà Nội, đòi Việt Minh phải đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị kháng chiến.

Quân Pháp có một trung đoàn xe tăng, thiết giáp trang bị 22 chiến xa, 40 thiết giáp xa.

Lực lượng phía Việt Minh gồm 2.500 Vệ quốc quân, 8.000 dân quân tự vệ, được đông đảo nhân dân thủ đô ủng hộ. Trang bị vũ khí của bộ đội còn thô sơ, chỉ có hầu hết là súng trường bắn phát một với rất ít đạn. Tổng cộng 2561 chiến sĩ Vệ quốc quân chỉ có 1516 súng trường, 3 trung liên, 1 đại liên, vũ khí chống tăng chỉ có 1 khẩu bazooka 60mm, 1000 quả lựu đạn, 93 bom ba càng, pháo binh chỉ có 7 khẩu pháo cao xạ, 1 sơn pháo 75mm, 1 pháo 25mm, 2 súng cối 60mm Trung bình hai người mới có một quả lựu đạn. Các đơn vị dân quân tự vệ trang bị còn thiếu hơn nữa, chủ yếu phải dùng vũ khí thô sơ như giáo mác, cung tên, mã tấu. Bộ đội Việt Minh hầu như không có nguồn cung súng đạn nào ngoại trừ tịch thu từ chính những đội quân nước ngoài đã trú đóng trên lãnh thổ. Thậm chí những vật tư còn dùng được sau khi trục vớt trong các tàu hàng Nhật bị đắm ở vịnh Bắc Bộ cũng được tận dụng. Quân Việt Nam trang bị lẫn lộn súng từ Âu sang Á như Lebel, Berthier của Pháp, Mauser của Đức và phiên bản sao chép Kiểu 24 của Trung Quốc, súng Arisaka của quân đội Nhật. Các loại súng trường, carbine, tiểu liên mới do Anh, Mỹ sản xuất rất hiếm. Mỗi tiểu đội Việt Nam chỉ có 3 - 4 súng trường, còn lại là dao găm, mã tấu. Nhiều súng đã cũ, gỉ sét. Súng hỏng được tháo dỡ, lấy linh kiện sửa chữa vũ khí cùng loại. Vấn đề nan giải nhất là đạn dược rất thiếu thốn. Do có quá nhiều chủng loại hỗn tạp, việc cung ứng đạn cho súng lại càng khó khăn.

Việt Nam dùng chiến thuật chiến đấu du kích trong thành phố, dùng các lực lượng nhỏ lẻ để cầm chân quân địch đông và mạnh hơn nhiều. Trong chiến đấu, binh sĩ Việt Minh đã sáng tạo, dùng chai xăng krept để đánh xe tăng, dùng chai sỏi, chai vôi bột để đánh bộ binh, dùng pháo đùng, pháo tép để nghi binh. Các tường nhà được đục lỗ thông nhau để tiện cho việc liên lạc và phục kích, cũng để quân Pháp rối trí, không biết đối phương ở đâu.

Sau khi Nhật đầu hàng và Việt Minh giành được chính quyền, có thu được một số bom ba càng của người Nhật. Theo số liệu không đầy đủ của Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ đô) thì có 93 cây bom ba càng được sản xuất trong khoảng thời gian từ tháng 3/1946 đến tháng 12/1946 do công binh xưởng của Liên khu 10 (Bộ Tư lệnh Thủ đô bây giờ) sản xuất tại khu vực Gia Lâm và một điểm dưới Hà Đông. Tất cả số bom ba càng được phát cho Vệ quốc đoàn để dùng trong trận Hà Nội. Vì bộ đội Việt Minh khi đó không có súng chống tăng nên bom ba càng là vũ khí chống tăng quan trọng nhất khi đó.

Hình minh họa cách sử dụng bom ba càng

Đâm bom ba càng phải là những chiến sĩ mưu trí, quả cảm, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng với phương châm diệt được xe cơ giới địch, mà tổn thất thấp nhất về sinh mạng thì cần phải giữ được yếu tố bí mật bất ngờ. Khi xuất kích, tiếp cận mục tiêu, người lính phải được sự yểm trợ tối đa của hỏa lực từ đồng đội nhằm khống chế, vô hiệu hóa hỏa lực trên xe cơ giới và lực lượng bộ binh địch đi cùng. Khi đánh bom động tác phải dứt khoát, tay trái hoặc tay phải nắm (nâng) nơi tiếp giáp đuôi bom và gậy, tay còn lại nắm chắc 2/3 của gậy, mặt bom chếch 45 độ về phía trước, cách mục tiêu 2 - 3m hạ bom ngang tầm vai hai tay lao bom vào vị trí đã chọn, phải bảo đảm ba càng bom cùng lúc chạm trên mặt phẳng của mục tiêu (xe tăng, xe bọc thép bánh hơi. Nên chọn nơi thành bên hông xe, dưới tháp pháo, với xe bán tải thì chọn nơi thành xe phía giáp cửa lên xuống, sát buồng lái trên nơi gắn thùng nhiên liệu để tạo ra hiệu quả công phá tối đa. Bom nổ gây áp lực cháy nổ rất lớn (nhiên liệu và đạn trên xe cùng bị kích nổ), sức ép một phần dội ngược lại phía sau hất người đánh bom văng mạnh về sau, tổ cứu hộ phải sẵn sàng ngay lập tức xông ra dìu chiến sĩ đánh bom vào nơi an toàn. Thông thường người chiến sĩ sẽ rất dễ hy sinh khi tìm cách tiếp cận xe tăng địch, khi đánh trúng đích thì cũng dễ hy sinh vì bị sức ép từ bom nổ và hơi nóng táp vào người, nhưng cũng có những trường hợp hiếm hoi đánh được nhiều lần. Trong một số tổng kết có nói đến một số chiến sĩ đánh cháy vài xe tăng, xe thiết giáp bằng bom ba càng mà vẫn còn sống, nhưng không thấy phổ biến kinh nghiệm. Bom ba càng đánh được xe tăng vì chủ yếu Pháp đưa sang Việt Nam xe tăng hạng nhẹ trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Trong trận Hà Nội 1946, chừng 10 tổ cảm tử quân được thành lập, với tổng cộng chừng 100 đội viên. Họ được gọi là "quyết tử quân". Khác với đa số chiến sĩ tham gia chỉ được gọi là Vệ quốc quân hoặc tự vệ Hà Nội, họ thường mặc áo trấn thủ, đeo khăn đỏ, cầm bom ba càng, có khi được tổ chức truy điệu sống trước khi xung trận. Trong số 93 cây bom ba càng có trong trang bị, bộ đội Việt Nam đã sử dụng 47 cây và có 35 chiến sĩ cảm tử đã hy sinh khi đánh bom (tới năm 2014, có 27 liệt sỹ đã xác định được rõ ràng tên tuổi, quê quán).

Chiến sĩ quyết tử Nguyễn Văn Thiềng (anh Trần Thành) đang ôm trong tay một quả bom ba càng đón đánh xe tăng Pháp ở Hà Nội năm 1946

Chiến sỹ cảm tử nổi tiếng nhất là chiến sĩ Nguyễn Văn Thiềng (bí danh Trần Thành), chính là chiến sĩ quyết tử trong bức ảnh lịch sử năm 1946. Anh sinh năm 1927, tham gia cách mạng từ năm 1944, là đoàn viên Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu, trung đội trưởng trung đội bảo vệ Bộ Tổng tham mưu (nay là số nhà 18, phố Nguyễn Du, Hà Nội). Ngày 23/12/1946, anh Trần Thành đã dùng bom ba càng đánh hỏng được một xe tăng địch ở ngã tư Bà Triệu - Trần Quốc Toản, giết cả kíp lái Pháp trong xe. Chiều hôm đó, quân Pháp lại tấn công, anh Trần Thành lại một lần nữa ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch nhưng bom bị xịt, không phát nổ, lính bộ binh Pháp đi theo sau chiếc tăng dùng súng bắn liên tiếp khiến anh Trần Thành hy sinh. Nghệ sỹ Nguyễn Bá Khoản đã chụp được bức ảnh ghi lại khoảnh khắc lịch sử trước khi Trần Thành ôm bom ba càng lao lên và hy sinh. Bức ảnh đã trở thành biểu tượng của tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong kháng chiến chống Pháp.

Theo chỉ thị trực tiếp từ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi từ căn cứ địa Việt Bắc xuống, bộ đội Việt Minh cấm được dùng bom ba càng một cách bừa bãi để tránh tổn thất quân số nên bom ba càng chỉ được sử dụng trong trường hợp bất khả kháng. Đến năm 1947, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã thiết kế thành công và cho ra đời súng Bazooka (Ba-dô-ca) Việt Nam theo mẫu Bazooka do Hoa Kỳ chế tạo trong Thế chiến 2. Từ sau năm 1948, bom ba càng không còn được sử dụng nữa.

M4 Sherman tham chiến tại Đông Dương

Xe tăng M3, M4

M5A1 là phiên bản cải tiến từ xe tăng hạng nhẹ M3 Stuart. Xe được trang bị pháo chính 37mm M6 với giáp dày 13-51mm. Trong giai đoạn 1946-1949, Pháp nhận được các xe M3A3 và M5A1 trong khuôn khổ chương trình Lend-Lease và sử dụng trong cuộc chiến. Số này được biên chế cho Sư đoàn thiết giáp số 2 LeClerc.

Lính lê dương Pháp tuần tra cùng xe tăng M24 Chaffee trong khu vực do Viêt Minh kiểm soát.

Năm 1950, Quân đội Pháp thành lập trung đoàn thiết giáp thuộc địa Viễn Đông( Régiment blindé colonial d'Extrême-Orient-RBCEO) để phục vụ cuộc chiến. Lực lượng bao gồm:

  • Nhóm số 1( phi đội 1 và 2) hình thành từ lực lượng của Bộ Tổng tham mưu và Trung đội pháo tự hành chống tăng số 1 gồm 547 người từ Trung đoàn Pháo tự hành chống tăng Thuộc địa( régiment colonial de chasseurs de chars-RCCC )
  • Nhóm số 2(phi đội 3 và 4) và trung đội Pháo tự hành chống tăng số 2 gồm 322 người từ Trung tâm đào tạo bọc thép thuộc địa( centre d'instruction colonial de l'arme blindée- CICAB).[5]

Khi bắt đầu đến Đông Dương, quân số đã tăng lên và đạt 877 người, được trang bị 59 xe tăng Sherman:

  • 53 xe M4 / M4A1 (hầu hết được trang bị pháo 75mm với hệ thống treo VVSS. Ngoài ra còn có một số chiếc có thân xe được hàn cơ học với các tấm phía trước đúc. Và thậm chí cả những xe M4A1E8 với nòng 76mm và hệ thống treo HVSS) [6]
  • 6 khẩu M4 (lựu pháo 105 mm)

Mỗi phi đội gồm 4 trung đội. Ngoài ra đơn vị cũng được trang bị các phương tiện như Dodge, xe thiết giáp bán bánh xích, súng máy M20, xe phục hồi kiểu Lee và Xe phục hồi xe tăng M32B1, sau này là pháo tự hành chống tăng M36B2 .

M24 Chaffee

Như những mẫu tăng thành công khác trong Thế chiến II, M24 được chuyển đến rất nhiều nước trên thế giới và được sử dụng bởi khá nhiều quân đội, cho đến khi được thay thế dần bởi loại tăng M41 Walker Bulldog. Những chiếc M24 đầu tiên của Pháp đến Đông Dương vào cuối năm 1950[7], thay thế cho các xe M3 / M5 Stuart hạng nhẹ đã lỗi thời cũng như xe tăng hạng trung M4 Sherman. Xe tăng M24 C1951 hình thành cơ sở của các đơn vị thiết giáp Pháp trong khu vực.[8] Việc sử dụng các phương tiện bọc thép trong Chiến tranh Đông Dương bị hạn chế do tình trạng mạng lưới giao thông rất kém, kết hợp với chiến thuật du kích của Việt Minh. Theo quy định, xe tăng chỉ được sử dụng để bảo vệ các đoàn xe hoặc để bảo vệ các đơn vị đồn trú và các khu định cư. Trong điều kiện đó, sự xuất hiện của M24 đáng tin cậy và có tính cơ động cao đã làm tăng đáng kể khả năng tác chiến của lực lượng thiết giáp Pháp.[9] M24 trong quân đội Pháp có biệt danh " Bison " (fr.  Bison).[10] Quân Pháp từng sử dụng M24 trong các chiến dịch càn quét tại Đông Dương và cho kết quả rất tốt. Rất nhiều tăng M24 của quân đội Pháp tại Đông Dương được chuyển giao cho Quân đội Quốc gia Việt Nam, về sau được Quân đội Việt Nam Cộng hòa sử dụng cho đến khi được người Mỹ viện trợ cho loại tăng M41 Walker Bulldog thay thế.[10]

Trận Điện Biên Phủ

Xe tăng M24 Chaffee của Pháp tại cánh đồng Mường Thanh

Để bảo vệ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (Điện Biên), năm 1954 Pháp đã huy động 10 xe tăng M24. Số xe tăng này được tháo rời và không vận từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng) tới sân bay Mường Thanh và lắp ráp ngay tại tập đoàn cứ điểm.10 chiếc tăng được biên chế thành đại đội số 3, thuộc trung đoàn kỵ binh hạng nhẹ số 1 (3/1RCC), với một xe chỉ huy và 3 phân đội, trong đó phân bổ cho phân khu Mường Thanh 2 phân đội (6 xe) và phân khu phía Nam (Isabelle - Hồng Cúm) 3 xe. Chỉ huy đại đội là đại úy Yves Hervouët.Mỗi xe tăng đều được quân đội Pháp đặt một tên riêng. Theo cuốn sách The Last Valley (Thung lũng cuối cùng) của tác giả Martin Windrow thì chiếc xe chỉ huy đại đội mang tên Conti, hai phân đội tăng ở phân khu Mường Thanh được chia thành phân đội Blue (Xanh dương), gồm các xe Bazeille, Douaumont, Mulhouse và phân đội Rouge (Đỏ): Ettlingen, Posen, Smolensk. Phân đội tăng đóng tại Hồng Cúm mang tên Vert (Xanh lá cây), gồm 2 xe tăng mang tên Ratisbonne và Neumach. Chiếc xe tăng chỉ huy được đặt là Conti, lấy từ tên tiểu đoàn 3 trung đoàn kỵ binh hạng nhẹ số 1 Régiment Conti Cavalerie. Các tên Bazeille, Ettlingen, Posen, Smolensk, Auerstaedt, Ratisbonne, Neumach là do những người lính Lê dương gốc Đức đặt để tưởng nhớ những địa danh ở quê hương. Bazeille là thị trấn ở miền Nam nước Pháp, Etlingen là một thị trấn ở Tây Nam nước Đức, Posen là một làng ở Ba Lan nhưng thuộc nước Phổ (Đức), còn Smolensk ở miền Tây nước Nga.[11]

Trong cuộc chiến tại Điện Biên, đại đội xe tăng này đã gây rất nhiều khó khăn và thiệt hại cho quân đội Việt Nam. Như trong trận đánh đồi Độc Lập, ngày 15/3, quân Pháp mở cuộc phản công dưới sự chỉ huy của Trung tá Pierre Langlais, chỉ huy trưởng phân khu trung tâm thay cho Trung tá Jules Gaucher vừa tử trận, huy động 2 tiểu đoàn dù, tổng cộng 1.000 lính và tới 5 xe tăng, nhưng đang tiến quân thì bị nã pháo trúng đội hình nên bị đẩy lùi. Cuộc phản kích hòng chiếm lại con đường nối giữa phân khu Hồng Cúm và phân khu trung tâm ngày 28/3, cũng là một trận chiến khốc liệt có xe tăng yểm trợ. Trận này, xe tăng Pháp đã xông vào trận địa pháo phòng không của Việt Minh. Theo hồi ký Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Hữu Mai biên tâp), do không có bộ binh bảo vệ, các pháo thủ đã phải dùng cờ lê, chân súng máy… đánh giáp lá cà với lính dù Pháp.[11]

M24 Chaffee yểm trợ hỏa lực tại Điện Biên Phủ

Sau này, khi Việt Minh phát huy hiệu quả của súng không giật (DKZ) đạn lõm, lần lượt từng chiếc xe tăng của Pháp đã bị tiêu diệt. Trong trận đánh đồi A1, sáng 1/4/1954, khi quân đội Pháp cho 2 xe tăng từ phân khu trung tâm lên phản công; đại đội 674, tiểu đoàn 251, trung đoàn 174, đại đoàn 316 Việt Minh đã dùng DKZ bắn cháy một chiếc, chiếc còn lại bị thương phải rút lui. Chiếc xe bị bắn cháy mang tên Bezeille, hiện được trưng bày trên đồi A1. Một số xe tăng khác thì bị pháo binh của Việt Minh tiêu diệt, như chiếc tăng hiện “phơi xác” trên cánh đồng Mường Thanh hiện nay, đã bị đại đội pháo 105mm 802 thuộc trung đoàn pháo 45 bắn hạ ngày 23/4. Còn chiếc xe Ettlingen bị đại đoàn pháo 351 bắn cháy ngày 7/5, hiện đang nằm gần cửa hầm tướng De Castries, cạnh đó là chiếc xe chỉ huy Conti. Xe tăng chỉ huy Conti nằm giữa ngã ba cầu Mường Thanh - hầm tướng De Castries - sân bay Mường Thanh. Nó có nhiệm vụ bảo vệ Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bị đạn pháo của Đại đoàn công pháo 351 Việt Minh bắn cháy vào 16h45 ngày 7/5/1954. Đại tá Hoàng Đăng Vinh, nguyên chiến sĩ đại đội 360, tiểu đoàn 130, trung đoàn 209, đại đoàn 312, người tham gia tổ chiến đấu đã xông vào hầm bắt sống tướng De Castries, kể lại:

“Trong quá trình tiến vào trung tâm, các đồng đội của tôi nhìn thấy trước mặt có một ụ đất nhô lên khá cao, xung quanh là 4 chiếc xe tăng chạy vòng tròn. Đang không biết là gì thì tổ bắt được một tên địch, sau khi tra hỏi hắn khai đó là hầm của tướng De Castries. Mừng rỡ khi biết thông tin đó, tổ của tôi liền tung thủ pháo đón đầu khiến một xe tăng trúng đạn rơi xuống giao thông hào, một chiếc khác bị đơn vị bạn tiêu diệt, hai chiếc còn lại liền tháo chạy".

Kết thúc trận Điện Biên Phủ, Việt Minh đã tiêu diệt 8 xe tăng địch, và thu được 2 chiếc còn nguyên vẹn. Những chiếc xe tăng chiến lợi phẩm này đã tham gia vào đoàn quân duyệt binh mừng chiến thắng ngày 13/5 trên cánh đồng Mường Phăng. Số xe này được sử dụng để huấn luyện cho các đơn vị ở Miền Bắc. Đến trước năm 1960, đây là những chiếc xe tăng duy nhất mà QĐNDVN sở hữu tại Việt Nam.[11]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Xe_tăng_tại_Việt_Nam http://tank-biathlon.com/tankovyiy-biatlon-2018/ http://webdoc.sub.gwdg.de/ebook/p/2005/CMH_2/www.a... http://citeseerx.ist.psu.edu/viewdoc/download?doi=... http://grunt-redux.atspace.eu/arvn_armour1.htm http://usacac.army.mil/cac2/cgsc/carl/download/csi... http://stinet.dtic.mil/oai/oai?&verb=getRecord&met... http://www.militaryphotos.net/forums/archive/index... http://ia600601.us.archive.org/26/items/DTIC_ADA09... http://ia800100.us.archive.org/11/items/DTIC_ADA09... http://laguerreenindochine.forumactif.org/t775-les...